Lịch sử Cộng_hòa_Ezo

Thành lập

Hội trường chính phủ nước Cộng hòa Ezo, bên trong thành Goryōkaku.

Ngày 27 tháng 1 năm 1869, nước Cộng hòa Ezo được thành lập ở Hakodate như một quốc gia độc lập thông qua một cuộc bầu cử lớn với sự tham gia của những cựu quan chức Mạc phủ, gia thần lãnh chúa các phiên đi theo và tầng lớp sĩ quan cao cấp trực thuộc Lục quânHải quân, chỉ riêng tầng lớp hạ sĩ quan, binh sĩ, thợ thuyền và cư dân sống tại Hakodate không được phép tham gia bỏ phiếu, tổ chức chính quyền cơ bản dựa theo kiểu Mỹ. Enomoto được bầu làm vị Tổng thống đầu tiên [3] với đa số phiếu và Matsudaira Tarō làm Phó Tổng thống [4]. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức trên lãnh thổ Nhật Bản[5][6], nơi mà cấu trúc phong kiến dưới quyền hoàng đế và các lãnh chúa quân sự vẫn còn hiện hữu xuyên suốt lịch sử. Thông qua Trưởng quan hành chính địa phương Hakodate[7]Nagai Naoyuki. Nước cộng hòa cố tiếp cận với các công sứ nước ngoài hiện diện ở Hakodate, ví dụ như Hoa Kỳ, Pháp, và Nga, nhưng không có được bất kỳ sự công nhận quốc tế hay ủng hộ nào. Enomoto đề nghị tặng lãnh thổ của mình cho Tướng quân Tokugawa dưới luật lệ của triều đình, nhưng đề nghị của ông bị Hội đồng Hoàng gia bác bỏ.[8]

Nước Cộng hòa Ezo có quốc kỳ riêng,[9] là một bông hoa cúc (biểu tượng cho sự thống trị của uy quyền) và một ngôi sao màu đỏ với bảy điểm (biểu tượng của nước Cộng hoà mới) trên nền xanh da trời. Ngân khố bao gồm 180.000 đồng tiền vàng ryō mà Enomoto lấy từ thành Osaka sau khi Tokugawa Yoshinobu thất bại tại trận Toba Fushimi và lui binh về phía bắc vào đầu năm 1868.[10]

Suốt mùa đông năm 1868-1869, chính quyền nước Cộng hòa Ezo ra sức tăng cường tuyến phòng thủ vững chắc vùng bán đảo phía Bắc của Hakodate, lấy thành ngũ giác Goryōkaku làm đại bản doanh cho quan chức cựu Mạc cùng tùy tùng trú đóng. Quân đội được tổ chức dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Nhật-Pháp, Ōtori Keisuke được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh quân đội Cộng hòa Ezo và cấp phó là Đại úy pháo binh Jules Brunet, toàn quân biên chế thành bốn lữ đoàn dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Pháp (gồm Fortant, Marlin, CazeneuveBouffier). Phần còn lại chia thành hai dưới sự chỉ huy của người Nhật.[11]

Brunet yêu cầu (và tiếp nhận) cam kết cá nhân nhằm đảo bảo sự trung thành tuyệt đối từ tất cả các sĩ quan và khẳng định họ sẽ đồng hóa các ý tưởng của người Pháp. Một viên sĩ quan Pháp vô danh đã viết rằng Brunet phụ trách tất cả mọi thứ:

...phong tục, thành phố, công sự, quân đội; mọi thứ đều phải qua tay anh ấy. Người Nhật đơn thuần chỉ là những con rối mà anh ta lôi kéo bằng một thứ kỹ năng tuyệt vời.... anh ấy đã thực hiện một cuộc cách mạng Pháp năm 1789 thực sự trong lòng nước Nhật dũng cảm mới; cuộc bầu cử lãnh đạo và sự xác định thứ hạng dựa trên công lao mà không phải dòng dõi - đây là những điều tuyệt vời cho đất nước này, và anh ta đã có thể làm những việc rất tốt, xem xét mức độ nghiêm trọng của tình hình...[12]

Bất ổn

Cố vấn quân sự Pháp và đồng minh người Nhật tại Hokkaido.Hàng phía trước, thứ hai từ trái qua phải: Jules Brunet, bên cạnh Matsudaira Tarō, Phó Tổng thống nước Cộng hòa Ezo.

Trong suốt thời gian tồn tại của nước Cộng hòa Ezo, tình hình tài chính không ổn định do thiếu kinh phí để chu cấp cho quân đội và bộ máy quan chức cựu Mạc đương nhiệm. Trưởng quan Tài chính Enomoto Michiaki đảm nhiệm việc cung ứng tiền bạc nhưng không đề ra được giải pháp hữu hiệu nào, thêm vào đó, Phó Tổng thống Matsudaira Taro lại dính vào vụ làm giả tiền tệ, lan truyền tiếng xấu về nguồn tiền thất thoát trong dư luận. Để bù vào ngân sách hoạt động cầm chừng, chính quyền buộc phải thực thi các biện pháp chế tài khác như cử người tới thu tiền từ các quầy hàng phục vụ lễ lạt, thu vén đồng xèng đổi lại nhắm mắt làm ngơ cho các tụ điểm đánh bạc hoạt động công khai, tận dụng nguồn thu từ các cô gái điếm hay việc thiết lập các cửa thông quan trong thành phố nhằm thu thêm thuế thông hành đối với phụ nữ và trẻ em, tất cả sự việc này đã gây ra mâu thuẫn và ác cảm từ cư dân địa phương.[1]

Chính vì thế, lãnh đạo quân đội cựu Mạc phủ ngày càng bế tắc về mặt tài chính, đã tiến hành việc trưng thu tiền bạc và hàng hóa từ giới thương gia giàu có ở Hakodate, khiến một số quan chức cấp cao trong nội bộ chính phủ kiên quyết phản đối như Phó tư lệnh Lục quân Hijikata Toshizo, mối ác cảm giữa cư dân địa phương với quân cựu Mạc phủ tăng dần, một số tổ chức đi theo Mạc phủ từ trước cũng tuyên bố ly khai, hoạt động cho phe Tân chính phủ như Yūgekitai, thêm vào đó tình hình chiến sự ngày càng xấu dần làm dấy lên sự bất mãn cao độ từ các tầng lớp nhân dân đã đẩy chính quyền nước Cộng hòa Ezo tới bên bờ vực của sự sụp đổ không thể tránh khỏi.[1]

Diệt vong

Quân đội chính phủ Minh Trị sớm củng cố thế lực trên đảo Honshu, mãi đến tháng 4 năm 1869 mới cử một hạm đội và lực lượng bộ binh gồm 7.000 quân tiến đến Hokkaidō. Lực lượng Tân chính phủ nhanh chóng đổ bộ và đánh bại quân Cộng hòa Ezo tại trận Hakodate, rồi điều quân bao vây thành Goryōkaku. Do binh lực hai bên quá sức chênh lệch, khiến cho tình hình chiến sự thêm phần bất lợi nên Enomoto buộc phải đầu hàng vào ngày 26 Tháng 6 năm 1869, sau đó chuyển giao Goryōkaku cho viên sĩ quan tham mưu phiên Satsuma là Kuroda Kiyotaka, nước Cộng hòa Ezo chính thức giải thể vào ngày 27 tháng 6 năm 1869.[13] Ngày 20 tháng 9 cùng năm, chính phủ Minh Trị ra quyết định đổi tên vùng Ezo thành Hokkaidō.[14] Các quan chức cùng binh sĩ của chính quyền cũ đều được tha bổng và lần lượt đảm nhiệm những chức vụ trọng yếu trong chính quyền mới về sau.